Công an xã, phường có quyền hạn, nhiệm vụ gì?
Theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh Công an xã, công an xã có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
- Nắm tình hình và đề xuất về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các chủ trương, kế hoạch đó.
- Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền chính sách, pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội cho người dân trên địa bàn.
- Tham mưu quản lý, giáo dục đối tượng phải chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn xã, quản lý người sau cai nghiện, người được đặc xá, người phải quản lý sau khi chấp hành xong án phạt tù.
- Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn xã.
- Quản lý cư trú, Chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, quản lý an ninh, trật tự các ngành, nghề kinh donah có điều kiện trên địa bàn xã theo phân cấp.
- Tiếp nhận, phân loại, xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí, hung khí của người bị bắt quả tang; cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường, lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai, bảo quản vật chứng…
- Bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn tại xã, dẫn giải người bị bắt đến cơ quan công an cấp trên.
- Xử phạt vi phạm hành chính người vi phạm trên địa bàn xã.
- Được yêu cầu cá nhân, tổ chức trong xã cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Được huy động người, phương tiện để cấp cứu người bị nạn, cứu hộ, cứu nạn, bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã…
- Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ… để thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong xã.
- Tham gia tuyển sinh, tuyển dụng lực lượng vũ trang; luyện tập, diễn tập phương án quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai…
- Xây dựng lực lượng công an xã trong sạch, vững mạnh và thực hiện các nhiệm vụ khác…
Từ 01/12/2021, công an xã có quyền hạn gì? (Ảnh minh họa)
Tăng thêm quyền hạn cho công an xã từ 01/12/2021?
Theo quy định trên, công an xã hiện nay chỉ có chức năng tiếp nhận tin tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản, lấy lời khai ban đầu của người bị hại, người biết vụ việc, bảo vệ hiện trường, kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân…
Sau đó phải chuyển ngay hồ sơ, tài liệu, vật chứng, thông tin thu thập được cho cơ quan cấp trên trực tiếp.
Tuy nhiên, có thể thấy, trong thực tế, chỉ những nhiệm vụ, quyền hạn này, công an xã sẽ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn là cần phải xử lý một số vụ án, vụ việc một cách nhanh chóng ngay tại địa bàn cấp xã. Trong khi đó, ở cấp này mỗi ngày đều có rất nhiều tin báo tố giác tội phạm.
Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự vừa được thông qua lần này đã bổ sung thêm quyền hạn cho công an xã. Cụ thể, khoản 1 Điều 1 Luật này sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:
Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền
Trong khi đó, quy định cũ tại khoản 3 Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự đang quy định:
Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Căn cứ quy định này, công an xã đã được bổ sung thêm nhiệm vụ kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm trước khi chuyển cơ quan điều tra. Đồng nghĩa, công an xã cũng sẽ có thẩm quyền tương dương với công an phường, thị trấn hoặc Đồn Công an.
Bên cạnh đó, Điều 44 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự cũng được sửa đổi theo hướng này, cụ thể:
Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Như vậy, các quy định liên quan đã đồng bộ, thống nhất trong việc bổ sung thêm quyền hạn cho Công an xã từ ngày 01/12/2021 - ngày Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự chính thức có hiệu lực.
Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 028 66529 668 để được đội ngũ Luật sư và chuyên gia pháp lý đầy kinh nghiệm của TFD GROUP hỗ trợ, giải đáp.
Theo dõi TFD GROUP tại: